Gió cứ thổi ...
Nước vẫn chảy...
Mây trôi mãi...
Mạch pháp ngàn năm vẫn trào tuôn ...
Kìa người hỡi:
Lên thuyền "Bát Nhã" đây bến "Tuệ"
Chẳng đến chẳng đi cũng chẳng về
Ta luôn an trú nhà ta đó
Mặc kệ dòng đời mãi chảy trôi...
Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013
Thứ Ba, 5 tháng 3, 2013
Ai điên, ai tỉnh?
Mình thấy có bài viết hay trên blog nhavantphcm nên copy về giới thiệu với các bạn:
NVTPHCM- Đôi khi xuống phố thấy người
điên đứng giữa đường chỉ chỏ, nói nhảm rồi la hét, ta thấy cảm thương
cho thân phận bất hạnh của người đã mắc phải căn bệnh quái ác! Ta cũng
cám cảnh khi thấy vẻ điên loạn càng khiến mọi người phải sợ hãi, xa lánh
người bệnh đó.
Thế nhưng khi trở về nhà, ngồi một mình
trong thinh lặng với một chút trí huệ, chợt trong lòng hốt hoảng và sợ
hãi quá chừng. Bởi nếu có một phương tiện kỹ thuật tiên tiến nào đó có
thể khuếch đại được những ý nghĩ, những lời nói thầm xuất hiện liên miên
bất tận trong tâm trí, thì có thể hình dung, ta cũng đang nói liên tục
cùng với những trạng thái tâm lý khác nhau, những cung bậc cảm xúc thay
đổi đến chóng mặt.
Như khi ta đang nghĩ về yêu thương cũng
có thể đột ngột chuyển sang giận dữ, hận thù rồi lại đột ngột chuyển
sang lo âu, sợ hãi, rồi ăn năn, hối hận, rồi mưu mô, mánh khóe, rồi lại
trở về với ân hận, sợ hãi, lo âu..., như một người điên loạn thật sự
vậy. Nếu không tin, quý vị có thể kiểm chứng bằng cách thử ngồi xuống và
viết ra giấy tất cả những ý nghĩ, ý tưởng trong đầu mình. Chỉ sau
khoảng một giờ ghi lại mớ suy nghĩ hỗn mang ấy, quý vị có thể thấy tâm
trí của mình căng thẳng điên loạn đến mức nào, đặc biệt trong những giai
đoạn bị stress.
Đến cơ quan ngồi giao ban với sếp, trong
đầu ta nghĩ gì? Tôn trọng cũng có, đôi khi giận hờn, đôi khi khinh bỉ,
rủa thầm. Nhìn sang đồng nghiệp, biết bao ý tưởng xuất hiện: nể nang,
ganh ghét, nâng đỡ, nghĩ cách hãm hại nhau... Về nhà gặp vợ hoặc chồng
có thể thấy yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ, nhưng cũng đâu thiếu những lúc
coi thường, dối gạt, bực mình...
Ngay cả trong lúc quan hệ vợ chồng, có
chắc rằng đôi vợ chồng đang thật sự yêu thương, dâng hiến cho nhau hay
phải vay mượn hình bóng của ai đó? Đến thăm cha mẹ có thật sự bằng tình
thương yêu và hiếu đạo, hay đầy ắp tư tưởng bất kính, moi móc tiền bạc,
mưu tính thừa kế, phân chia tài sản, tranh giành với anh em... Vô vàn
bối cảnh, vô vàn những nghĩ suy cao thượng, đẹp đẽ xen kẽ với xấu xa,
cuồng loạn âm thầm trong tâm trí ta, mà nếu chúng phát ra thành tiếng,
thì chắc chắn ta hay những kẻ điên loạn thấy ở ngoài đường cũng vậy
thôi, có khác gì nhau đâu?!
Với "tâm viên ý mã" như thế, nếu ta
không làm cho chúng lắng xuống, an tĩnh trở lại mà vẫn tiếp tục nuôi
dưỡng bằng sự tham lam, thù hận, ích kỷ, hiểm ác... thì rồi một ngày nào
đó, chỉ cần một va chạm nhỏ thôi cũng đủ bùng lên ngọn lửa sân hận. Và
ngọn lửa oan nghiệt ấy sẽ biến ta thành kẻ điên loạn thật sự với bạo
hành, lừa đảo, thậm chí cướp của, giết người...
Để tránh dồn nén những cảm xúc, ý nghĩ
xấu, cần tập luyện tư duy tích cực hay thiền định. Thường xuyên thiền
định giúp ta cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản, những ý tưởng náo nhiệt,
xấu xa, cuồng loạn sẽ lắng xuống và tan biến để những buồn bực, hờn
giận, hận thù cũng nhạt nhòa theo. Tâm hồn một khi đã tĩnh lặng, an bình
thì trí huệ sẽ phát sinh để ta có thể nhận ra rằng sự ồn ào náo nhiệt
đôi khi đến mức cuồng loạn của tâm trí chỉ là những ảo vọng và ta có thể
rời bỏ chúng.
Tập luyện thiền định không phải là hô
khẩu hiệu, đánh bóng hình ảnh rằng ta cũng có đạo tâm mà hãy xem đó là
một phương pháp điều trị những loạn động, những vết thương, vết sẹo
trong tâm hồn một cách khoa học và hiệu quả. Tại sao chúng ta không bắt
đầu tập luyện thử xem?
Theo TBKTSG
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)